Lê Thu Hà, sinh năm 1991, khởi nghiệp với việc kinh doanh khung ảnh từ thời sinh viên. Năm 2018, vợ chồng Hà có trong tay khoản tích lũy gần 2 tỷ đồng. Khi đó, hai vợ chồng đã nghĩ đến việc mua một căn nhà để sống tại Hà Nội thay vì đi thuê. Quá trình tìm mua, Hà và chồng nhận ra số tiền đó có thể mua một căn hộ trung cấp cận trung tâm, còn nhà đất thì phải chấp nhận những căn diện tích nhỏ, trong ngõ ngách và rất xa trung tâm. Tuy nhiên, nếu mua chung cư, căn hộ sẽ xuống cấp và mất giá theo thời gian. Số tiền đổ vào căn hộ tất yếu hao hụt theo. Cùng thời điểm, Hà biết đến người bạn đã nhân đôi vốn sau hơn 2 năm đầu tư 1 lô đât ở ven Hà Nội. Cả hai thay đổi suy nghĩ, nhận ra bản thân không quá “cần kíp” với việc mua nhà. Với tổng thu nhập hàng tháng, gia đình Hà thuê được những không gian sống thoải mái và đầy đủ tiện ích, dịch vụ. Số tiền tích lũy, ngoài duy trì công việc kinh doanh, cô quyết định đầu tư bất động sản.
Bùi Anh Dũng, 31 tuổi, hiện là chủ 2 cửa hàng quần áo nam tại Hà Nội, sau nhiều năm kinh doanh, anh có số vốn gần 3 tỷ trong tay. Với số tiền đó, anh có thể thoải mái sở hữu một căn hộ tại Hà Nội nhưng vẫn đang đi thuê nhà. Cách đây không lâu, anh xuống tiền với 2 lô đất nền ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Chưa lập gia đình và bận rộn với công việc, anh Dũng không quá nặng nề việc mua nhà. “Tôi đi suốt ngày, thậm chí nhiều thời điểm đi lấy hàng, cả tuần không về nên thấy việc mua nhà chưa quá quan trọng. Hơn nữa, thay vì để tiền của mình nằm bất động trong một căn nhà, tôi muốn nó tiếp tục sinh sôi”, anh Dũng chia sẻ. Hai năm nay khi ngành hàng thời trang cạnh tranh mạnh, việc kinh doanh không mang lại lợi nhuận lớn như trước, anh Dũng dừng ở con số 2 cửa hàng, không mở rộng quy mô và tìm kiếm 1 kênh đầu tư khác là bất động sản. Theo anh, bất động sản là một trong những kênh đầu tư tiềm năng hiện nay.
Khác với anh Dũng và chị Hà, chị Thùy Linh, 30 tuổi, dồn toàn bộ số tiền tích lũy để mua căn hộ studio tại một dự án chung cư cao cấp. Thế nhưng, chị không dọn về ở mà trang bị nội thất rồi cho thuê với giá 9 triệu đồng/tháng, còn bản thân thì đi thuê một chung cư mini ở Thái Thịnh với giá 4 triệu đồng/tháng.
Theo tìm hiểu của smartlandholding, những năm gần đây, rất nhiều người trẻ, đặc biệt là những người trẻ độc thân khi có 1 khoản tích lũy thay vì chọn mua 1 căn nhà để “an cư lạc nghiệp” như quan niệm phổ biến thì họ vẫn ở thuê và đem tiền đó đi đầu tư bất động sản.
Nói về quyết định của mình, chị Thùy Linh cho biết, bạn bè chị nhiều người tài chính hạn hẹp nên sau khi vay mượn cũng chỉ có thể mua một căn chung cư xa chỗ làm. Cảnh đi làm xa tắc đường, áp lực trả lãi khiến nhiều người luôn trong trạng thái mệt mỏi, stress, thậm chí gia đình lục đục. Từ thực tế ấy, chị Linh cho rằng không hẳn “an cư” là “lạc nghiệp”. Theo chị Linh, tự do tài chính là một yếu tố quan trọng giúp mỗi cá nhân có cuộc sống thoải mái, vui vẻ. Với cá nhân chị Linh, đây mới là yếu tố quan trọng giúp chị “lạc nghiệp”. Số tiền thu về từ cho thuê ngoài giúp chị trang trải tiền thuê nhà thì khoản dư cùng số tiền kiếm được hàng tháng giúp chị có cuộc sống thoải mái.
Lê Thu Hà cho biết “an cư lạc nghiệp” cũng chỉ là 1 quan niệm và lựa chọn sống nên mang tính chất tương đối với mỗi cá nhân. Với tiềm lực tài chính hiện tại việc sở hữu một không gian sống như mơ ước với vợ chồng chị còn khó khăn. Số tiền đang có nếu đem đầu tư bất động sản sẽ là một trong những cách để gia tăng tích lũy. Khi tích lũy dồi dào hơn, vợ chồng Hà sẽ quay lại việc tìm mua một ngôi nhà như mơ ước.
Anh Nguyễn Ngọc Chi, một nhà đầu tư kiêm một nhà môi giới cho biết, như anh quan sát, xu hướng người trẻ có tiền nhưng không “nhăm nhăm” mua nhà mà dùng tiền đó tái đầu tư bất động sản ngày càng trở nên đông đảo. Những năm gần đây, khách đầu tư của anh Chi có rất nhiều bạn trẻ cuối 8X, đầu 9X theo đuổi xu hướng này. “Họ giỏi giang, đều “tự thân” kiếm tiền và cởi mở trong suy nghĩ, họ không nặng nề về việc sở hữu một không gian sống mà đều nghĩ đến việc làm sao để tiền sinh sôi nhiều hơn bằng cách đầu tư. Hiện nước mình đang thiếu kênh đầu tư nên đầu tư bất động sản là lựa chọn phổ biến”, anh Chi cho biết.
Anh Chi chia sẻ thêm, trong quá trình tư vấn, anh nhận thấy bên cạnh những nhà đầu tư trẻ thành công, cũng không ít nhà đầu tư trẻ còn non yếu kiến thức, kinh nghiệm ở mảng bất động sản nên rơi vào tình cảnh chôn vốn, thua lỗ. “Tôi nghĩ những người trẻ vốn thông minh nhưng từng thất bại đó đều rút ra được bài học cho mình khi chuyển hướng dòng tiền sang bất động sản. Kiếm tiền chưa bao giờ đơn giản và dễ dàng. Họ còn trẻ, sai lầm, khó khăn là khó tránh khỏi. Quan trọng là đứng dậy và đi tiếp như thế nào”, anh Chi nói.
Bùi Thị Nhung