Chi phí thêm đắt đỏ
Để chống lại lạm phát phi mã, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% vào ngày 27/7, đồng nghĩa với việc tăng thêm số tiền người tiêu dùng phải trả cho các khoản nợ như thẻ tín dụng, thế chấp và các khoản vay khác.
Chủ tịch FED Jerome Powell vẫn tin rằng Mỹ hiện đang không suy thoái và lý do là có quá nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang hoạt động quá tốt
Việc tăng lãi suất làm tăng chi phí đi vay, điều này có thể giúp làm chậm lạm phát. Nhưng những chi phí tăng thêm mà người tiêu dùng sẽ phải đối mặt như:
Thứ nhất, là thẻ tín dụng, người dùng sẽ phải trả nhiều hơn cho bất kỳ khoản nợ thẻ tín dụng nào chưa trả hết vào cuối tháng.
Thứ hai, khoản vay mua ô tô. Những người cho vay mua ô tô sử dụng tỷ lệ chuẩn của FED để xác định lãi suất khách hàng trả. Điều này không ảnh hưởng đến những người đi vay vốn với lãi suất cố định, nhưng các khoản vay mua ô tô mới hoặc những khoản vay có tài chính lãi suất thay đổi có thể sẽ tăng chi phí.
Thứ ba, tiêu chuẩn của FED ảnh hưởng gián tiếp đến lãi suất đối với các khoản thế chấp có lãi suất thay đổi. Trong đó, lãi suất trung bình cho các khoản vay như vậy đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm, trùng với các đợt tăng lãi suất của FED trong thời gian đó.
Thứ tư, khoản vay các nhân cho sinh viên, mức lãi suất có thể tăng lên trong vòng một tháng kể từ khi lãi suất tăng. Điều này cũng sẽ áp dụng cho những người vay mới đăng ký các khoản vay cá nhân, có thời hạn cố định sau khi bắt đầu tăng lãi suất.
Thứ năm, các khoản cho vay có lãi suất thay đổi khác. Ví dụ, những người cho vay đặt lãi suất cơ bản của họ cho những người mua nhà dựa trên lãi suất chuẩn của FED, điều đó có nghĩa là lãi suất phải trả sẽ tăng lên, mặc dù số tiền phải trả khác nhau tùy thuộc vào người cho vay, quy mô khoản vay và điểm tín dụng.
Việc tăng lãi suất đánh dấu động thái mới nhất trong nỗ lực của FED nhằm giảm bớt áp lực lạm phát, tuy nhiên các nhà đầu tư lo ngại chiến dịch tăng giá có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Chủ tịch FED Jerome Powell đã nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ rằng Mỹ hiện đang suy thoái và lý do là có quá nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang hoạt động quá tốt”.
Một cuộc khảo sát các nhà kinh tế do Bloomberg thực hiện mới đây cho thấy, khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới là 47,5%, cao hơn mức 30% của tháng 6. Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng, không ổn định được giá sẽ là “sai lầm lớn hơn” so với việc đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, theo tờ Financial Times, giá đồng USD tăng mạnh đã làm giảm hàng tỷ USD lợi nhuận của các công ty Mỹ. Giá trị đồng bạc xanh tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua đã khiến nhiều công ty bị giảm lợi nhuận trong quý II/2022. Hiện IBM, Netflix, Johnson và Philip Morris là những công ty đã đưa ra cảnh báo giảm doanh số trong những tháng tới. Số lượng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dự kiến sẽ tăng lên trong vài ngày tới khi những công ty công nghệ khổng lồ có nhiều hoạt động kinh doanh ở ngoài Mỹ như Apple, Alphabet, chủ sở hữu của Google và Microsoft công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý.
Cú sốc tiền tệ đã làm thay đổi các dự báo về thu nhập của doanh nghiệp và có thể làm suy yếu nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ gây áp lực lớn lên nhu cầu tiêu dùng và sản xuất.
Ảnh hưởng với Việt Nam
Chia sẻ với báo chí, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định, một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ việc FED tăng lãi suất nói riêng và các nước phát triển thắt chặt tiền tệ nói chung. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu.
Việc tăng lãi suất đánh dấu động thái mới nhất trong nỗ lực của FED nhằm giảm bớt áp lực lạm phát, tuy nhiên các nhà đầu tư lo ngại chiến dịch tăng giá có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái
Thứ nhất, lãi suất tăng có thể làm nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường Việt Nam có thặng dư thương mại lớn nhất lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Lợi thế của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ phần lớn là hàng hóa thiết yếu, thậm chí có lợi đáng kể khi lạm phát ở Mỹ tăng cao. Tuy vậy, điều chỉnh chính sách thương mại phù hợp với bối cảnh lạm phát và dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ là cần thiết, cấp bách.
Thứ hai, FED tăng lãi suất có thể khiến cho dòng vốn đầu tư toàn cầu đảo chiều chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển, đặc biệt là về Mỹ. Theo đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể tăng chậm lại. Do đó, nguồn lực đầu tư chiếm khoảng 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam rất có thể co hẹp lại.
Tuy nhiên, mức độ co hẹp không đến mức quá lo ngại khi các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu vào Việt Nam đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore chứ không phải từ Mỹ hay châu Âu. Hơn nữa, triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Thứ ba, FED và ngân hàng trung ương nhiều nước quyết định và dự định tăng lãi suất sẽ gây áp lực mạnh mẽ lên chính sách tiền tệ nói chung, chính sách lãi suất nói riêng của Việt Nam. Theo đó, năm 2022 Việt Nam dự định nới lỏng chính sách tiền tệ và nỗ lực hạ lãi suất, kể cả hỗ trợ lãi suất để phục hồi kinh tế nhân cơ hội lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát tốt.
Việc các quốc gia tăng lãi suất có thể làm cho cơ hội giảm lãi suất và kiểm soát lạm phát ở mức thấp của Việt Nam năm 2022 giảm đáng kể, đặc biệt là khả năng nhập khẩu lạm phát đang tăng trở lại bên cạnh lạm phát do cầu kéo cũng có dấu hiệu quay lại. Việt Nam cần xử lý tốt mối quan hệ trong tam giác bất khả thi giữa dòng vốn nước ngoài với lãi suất và tỷ giá hối đoái trong bối cảnh nền kinh tế lệch pha mới hạn chế được tác động tiêu cực của việc FED tăng lãi suất.
Thứ tư, FED nâng lãi suất khiến cho USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác. Theo đó, VND cũng chịu áp lực mất giá sau hai năm liên tiếp VND lên giá trên dưới 1% so với USD. Chỉ số USD-Index hồi đầu tháng 5/2022 đã lên trên 100 điểm chứng tỏ khả năng USD lên giá trên toàn cầu gần như chắc chắn. Nếu USD lên giá so với VND ngay trong năm 2022 thì Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái chưa kịp nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để phục hồi kinh tế thì đã phải thắt chặt do nguy cơ lạm phát cao.
Giám đốc điều hành Công ty CP Take Profit Phan Linh đánh giá, FED cũng như Ngân hàng Trung ương các quốc gia khi điều hành chính sách đều có 2 mục tiêu chính: Duy trì tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Trong giai đoạn này FED đang đặt ưu tiên số 1 của mình là kiềm chế lạm phát và hi sinh tăng trưởng.
Vậy khi phân tích động thái của FED, chúng ta nên nhìn vào những mục tiêu của họ đã đạt được chưa và quan trọng là động thái sau đó của họ sau mỗi kỳ họp như thế nào.
Với kịch bản tăng 0,75% lãi suất trong tháng 7 và lập trường diều hâu tăng mạnh tiếp ở kỳ tháng 9 -11 – 12 thì lạm phát sẽ được kiềm chế, nhưng khả năng nền kinh tế sẽ đi vào suy thoái nhanh hơn dự kiến, do các doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Cùng với đó, thị trường tài chính sẽ tiếp tục gập ghềnh vì mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng.
Ở kịch bản tốc độ tăng lãi suất của FED sẽ giảm dần tại các kỳ họp tháng 9 – 11 -12, nền kinh tế vẫn có thể vẫn rơi vào suy thoái nhưng các doanh nghiệp sẽ có thời gian để thích nghi hơn với mặt bằng lãi suất mới.
Theo diễn đàn doanh nghiệp |investing.edu.vn