Theo IVS, P/E, P/B toàn ngành ngân hàng vẫn còn hấp dẫn khi lần lượt thấp hơn 30% và 16% so với VN-Index.
IVS cho rằng hầu hết các ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2021 và một số đơn vị được dự báo có kết quả nổi bật VPBank, Vietcombank…
Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) có báo cáo ngành ngân hàng, đề cập tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối quý I tăng 2,93%, so với mức 0,68% cùng kỳ năm 2020. Việc tín dụng hồi phục cho thấy mục tiêu tăng trưởng năm 2021 khoảng 8-12% là hoàn toàn có khả năng đạt được.
Lãi suất được kỳ vọng đi ngang đến cuối năm. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất được duy trì ở mức thấp (ngoại trừ đợt tăng ngắn vào đầu tháng 2 do yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên Đán) cho thấy thanh khoản hệ thống đang được duy trì ở mức cao.
Kết thúc quý I, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đều tích cực so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng cho vay khách hàng MSB, MB, Techcombank đột biến.
Theo IVS, lợi nhuận các ngân hàng tăng nhờ 4 yếu tố. Thứ nhất là nền lợi nhuận thấp của cùng kỳ năm trước. Thứ hai là tăng trưởng tín dụng cao so với quý I/2020 giai đoạn nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng cho vay âm. Thứ ba là biên lãi thuần mở rộng nhờ chi phí huy động giảm mạnh hơn lãi suất cho vay khách hàng. Cuối cùng là tăng cường cắt giảm chi phí hoạt động và chất lượng tài sản vẫn được kiểm soát tốt.
IVS cũng đề cập nợ xấu được các ngân hàng kiếm soát tốt. Tổng nợ xấu các ngân hàng tăng 5,3% so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng tăng (ACB, MB, Vietcombank) có thể do việc hạch toán một phần nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ.
Thông tư 03/2021 thay thế Thông tư 01/2020 có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các ngân hàng giúp giải tỏa áp lực dự phòng trong ngắn hạn. Tại các cuộc họp cổ đông thường niên của ngân hàng năm nay, vấn đề tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu được nhiều nhà băng đề cập.
Dựa trên kết quả kinh doanh quý I và năng lực kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam cùng các chính sách hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất, TT03/2021, IVS cho rằng hầu hết các ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2021.
Một số ngân hàng được dự báo có kết quả kinh doanh nổi bật như VPBank với dòng tiền về từ bán FE Credit, VietinBank hồi phục sau giai đoạn tái cấu trúc, Vietcombank không còn áp lực dự phòng.
Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, hoạt động tăng vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược (LienVietPostBank, OCB, SHB, Vietcombank, TPBank, VPBank) hay ký kết hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền (HDBank, LienVietPostBank), sẽ là một trong những động lực tích cực thúc đẩy đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn 2021-2022.
IVS nhận định P/E, P/B toàn ngành vẫn còn hấp dẫn khi lần lượt thấp hơn 30% và 16% so với VN-Index. So với nhóm ngân hàng cùng ngành trong thị trường mới nổi và ASEAN, mức định giá cao hơn hiện tại hoàn toàn phù hợp với hiệu suất sinh lời hấp dẫn và tiềm năng của ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn mặt bằng chung.