Bất động sản công nghiệp Việt Nam được nhận định là phân khúc có đà tăng trưởng tốt nhất ở thời điểm hiện tại và tương lai. Phân khúc này đã và đang nhận những tác động tích cực của dòng vốn FDI và mô hình Trung Quốc+1.
Xu hướng mới của dòng tiền đầu tư vào BĐS công nghiệp
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2020, vốn FDI đăng kí đạt 21,2 tỷ USD, với 1.947 dự án đăng ký đầu tư mới với số vốn là 10,36 tỷ USD. Bạc Liêu chiếm 18,86% nhờ vào dự án Nhà máy điện LNG của Singapore trị giá 4 tỷ USD. Các thị trường dẫn đầu khác là TP.HCM chiếm 15,34%, Hà Nội 13,78% và Bà Rịa – Vũng Tàu với 10,13%. Mức đầu tư từ Singapore đạt 6,76 tỷ USD, chiếm 31,91% tổng vốn FDI đăng ký, tiếp theo là Hàn Quốc 3,16 tỷ USD, tương đương 14,94%; và Trung Quốc với 1,87 tỷ USD, tương đương 8,85%. Khu vực phía Bắc dẫn đầu về vốn FDI đăng ký mới cho ngành sản xuất trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, vốn FDI đăng ký mới cho ngành sản xuất ở khu vực phía Bắc đạt 2,88 tỷ USD, chiếm hơn 61,13% tổng vốn đăng kí mới. Theo sau là khu vực phía Nam với 1,60 tỷ USD, tương đương 34,05%, và miền Trung là 4,82% với 227 triệu USD.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam là phân khúc có đà tăng trưởng tốt nhất ở thời điểm hiện tại và tương lai.
Trong 6 tháng đầu năm 2020 các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) đã trực tiếp thu hút khoảng 335 dự án FDI với số vốn đăng ký mới khoảng 6 tỷ USD.
Đáng chú ý, xu hướng quan tâm của nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài đang dần dịch chuyển tới các tỉnh, thành phố không có bề dày về phát triển các khu công nghiệp, điển hình như Tây Ninh, Vĩnh Long… Ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định đây có thể coi là một diễn tiến tự nhiên khi các đơn vị đi thuê và nhà đầu tư sản xuất bắt đầu nhìn vào các tỉnh công nghiệp khác. Bởi lẽ trên thực tế, diện tích đất trống tại các khu vực chính ở phía Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên… và phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai… đang dần trở nên khan hiếm.
Hiện một số công ty đang xem xét việc tìm đến các tỉnh cấp 2 thay thế như Tây Ninh và Vĩnh Long. Đó là lý do vì sao vài năm nay thị trường chứng kiến các thương vụ đầu tư sản xuất lớn vào các địa điểm trên như Jinyu Tire (Hồng Kông) với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD vào khu công nghiệp Phước Đông (Tây Ninh). Bên cạnh đó là các khoản đầu tư lớn vào Vĩnh Long. Các địa điểm này ngoài lợi thế là quỹ đất lớn thì giá thuê rẻ hơn rất nhiều so với TP.HCM, Bình Dương, Long An. Theo ông John Campbell, khi các công ty này đầu tư vào những địa phương cấp 2, mặc dù ở xa khu trung tâm hơn, nhưng họ sẽ có cơ hội tăng quy mô nhà máy trong tương lai hoặc các nhà cung cấp của họ có thể kiếm được đất gần họ.
Mô hình Trung Quốc +1
Bên cạnh việc hưởng lợi từ các nguồn vốn FDI, phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng đang nhận được nhiều lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do và xu hướng dịch chuyển các nhà máy, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đại dịch Covid-19 kéo dài thậm chí được kỳ vọng sẽ là yếu tố đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc. Đáng chú ý, những ông lớn như Apple Computers, Pegatron và Foxconn đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết: “Mô hình Trung Quốc + 1 có thể sẽ được các nhà sản xuất theo đuổi ngày càng nhiều nhằm tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm sản xuất, dẫn đến nhu cầu lớn hơn đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Với nhu cầu và hoạt động thị trường vốn gia tăng, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là ‘đứa con cưng’ của ngành bất động sản nói chung. Việc theo đuổi để sở hữu BĐS công nghiệp tại các khu kinh tế trọng điểm chắc chắn là một xu thế trong tương lai.”
investing.edu.vn | nguồn batdongsan.com.vn