Chỉ số chứng khoán là gì?
Chỉ số chứng khoán (Stock Index) đại diện cho giá trị của một nhóm cổ phiếu cụ thể trên thị trường chứng khoán. Chỉ số chứng khoán lấy một số cổ phiếu của các công ty khác nhau và nhóm chúng lại với nhau để chúng có thể được giao dịch dưới dạng một công cụ tài chính. Các cổ phiếu này đều có những điểm chung như cùng niêm yết tại một sở giao dịch chứng khoán, cùng ngành hay cùng mức vốn hóa thị trường.
Ví dụ như, bạn có thể nghe tới chỉ số chứng khoán DAX30 của Đức. Chỉ số này được tính dựa trên 30 loại cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất được giao dịch ở Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt.
Các nhà kinh tế, chính trị gia và nhà phân tích có thể sử dụng các chỉ số chứng khoán để hiểu thị trường tài chính và các công ty trong các thị trường đó hoạt động tốt như thế nào. Khi nhà đầu tư đang đề cập đến hiệu suất của một thị trường nào đó, nghĩa là họ đang đề cập đến hiệu suất của một chỉ số chứng khoán.
Các chỉ số chứng khoán có thể do sở giao dịch chứng khoán định ra (ví dụ Vn-Index), cũng có thể do hãng thông tin (ví dụ Nikkei 225) hay một thể chế tài chính nào đó định ra (ví dụ Hang Seng Index).
Phân loại chỉ số chứng khoán
Chỉ số chứng khoán có thể được phân loại theo nhiều cách, ví dụ như theo ngành nghề, sàn giao dịch hoặc khu vực địa lý.
Chỉ số chứng khoán theo quốc gia
Chỉ số chứng khoán quốc gia đại diện cho hiệu suất của thị trường chứng khoán ở một quốc gia cụ thể và do đó phản ánh tâm lý của nhà đầu tư đối với tình trạng của nền kinh tế. Các chỉ số quốc gia được giao dịch thường xuyên nhất được tạo thành từ các cổ phiếu của các công ty lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc gia. Ví dụ như: S&P 500 của Mỹ, DAX 30 của Đức, Nikkei 225 của Nhật Bản, CAC 40 của Pháp và FTSE 100 của Anh…
Chỉ số chứng khoán theo khu vực
Chỉ số chứng khoán cũng có thể bao gồm các chỉ số thể hiện hiệu suất của các công ty trong một khu vực. Ví dụ như: chỉ số DJ Euro Stoxx 50 bao gồm cổ phiếu của 50 công ty blue-chip chỉ có trụ sở tại Khu vực đồng Euro; chỉ số MSCI Emerging Markets Index được tạo thành từ các cổ phiếu của các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Mexico và Nam Phi.
Chỉ số chứng khoán theo ngành
Ngoài ra, có những chỉ số liên quan đến một số ngành công nghiệp nhất định. Ví dụ, NASDAQ 100 chủ yếu bao gồm các công ty trong ngành công nghệ.
Có hàng trăm loại chỉ số khác nhau đo lường hiệu suất của cổ phiếu trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các nhà giao dịch đều tập trung vào các chỉ số quốc gia chính như đã nêu ở trên.
Một số chỉ số chứng khoán phổ biến
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones (DJIA) là một trong những chỉ số lâu đời nhất, nổi tiếng nhất và được sử dụng thường xuyên nhất trên thế giới. Nó bao gồm cổ phiếu của 30 công ty lớn nhất và có ảnh hưởng nhất ở Mỹ. Thay đổi trong chỉ số Dow Jones thể hiện những thay đổi trong kỳ vọng của nhà đầu tư về thu nhập và rủi ro của các công ty lớn có trong chỉ số.
Chỉ số chứng khoán Mỹ – Chỉ số S&P 500
Chỉ số Standard & Poor’s 500 (thường được gọi là S&P 500) là chỉ số với 500 công ty hàng đầu trong Chứng khoán Mỹ. Những công ty này được lựa chọn chủ yếu dựa vào vốn hóa, ngoài ra cũng xem xét các yếu tố khác như thanh khoản, thả nổi công khai, lĩnh vực phân loại, khả năng tài chính và lịch sử giao dịch. Chỉ số S & P 500 chiếm khoảng 80% tổng giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ. Nhìn chung, Chỉ số S & P 500 cho thấy sự chuyển động tốt trên thị trường chứng khoán Mỹ nói chung.
Chỉ số tổng hợp Nasdaq
Chỉ số tổng hợp Nasdaq là chỉ số trọng số vốn hóa thị trường của tất cả các cổ phiếu được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Chỉ số này bao gồm một số công ty không có trụ sở tại Mỹ.
Hầu hết các nhà đầu tư đều biết rằng Nasdaq là sàn giao dịch cổ phiếu công nghệ. Chỉ số này bao gồm một số tiểu ngành trên thị trường công nghệ bao gồm phần mềm, công nghệ sinh học, chất bán dẫn, v.v. Tuy nhiên, nó cũng bao gồm một số chứng khoán từ các ngành công nghiệp khác và lĩnh vực khác như tài chính, công nghiệp, bảo hiểm và cổ phiếu vận tải,…
Chỉ số Wilshire 5000
Wilshire 5000 đôi khi được gọi là “tổng chỉ số thị trường chứng khoán” hoặc “tổng chỉ số thị trường” bởi vì nó bao gồm tất cả các công ty giao dịch công khai có trụ sở tại Mỹ có sẵn dữ liệu giá. Thành lập từ năm 1974, chỉ số này đại diện cho toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ và sự chuyển động của nó một cách tổng hợp. Mặc dù nó là thước đo rất toàn diện của toàn bộ thị trường Mỹ, Wilshire 5000 ít phổ biến hơn so với Chỉ số S & P 500.
Chỉ số Russell 3000
Chỉ s Russell 3000 là một chỉ số chứng khoán, đại diện cho khoảng 3000 cổ phiếu, đo lường hiệu suất của các công ty lớn nhất Hoa Kỳ. Chỉ số này được duy trì bởi FTSE Russell, một chi nhánh của Tập đoàn Chứng khoán London. Chỉ số Russell 3000 thường được gọi là chỉ số thị trường rộng lớn vì nó chiếm khoảng 98% thị trường vốn cổ phần có thể đầu tư của Hoa Kỳ.
Trong khi chỉ số S & P 500 được sử dụng chủ yếu cho các cổ phiếu vốn hóa lớn thì Russell 2000 là chỉ số phổ biến nhất giúp cho các quỹ đầu cơ nắm bắt các cổ phiếu mệnh giá nhỏ. Chỉ số này đại diện cho khoảng 8% tổng vốn hóa thị trường của Russell 3000.
Ứng dụng chỉ số chứng khoán vào đầu tư
Đầu tư vào các Quỹ chỉ số chứng khoán
Các quỹ chỉ số đầu tư vào toàn bộ thị trường, đây là một cách tuyệt vời để có được sự đa dạng hóa mà bạn đang tìm kiếm.
Giả sử, bạn đầu tư vào quỹ chỉ số EURO STOXX 50, tức là bạn đang đầu tư vào 50 công ty hàng đầu lớn nhất châu Âu chứ không phải chỉ có duy nhất một công ty. Đó chính là tính đa dạng hóa trong đầu tư chỉ số. Sự đa dạng hóa giúp chống lại những biến động lớn và giảm thiểu rủi ro của tổng danh mục.
Bên cạnh đó, các quỹ chỉ số thường là các khoản đầu tư có chi phí thấp nhất có sẵn, đơn giản vì chúng không yêu cầu người quản lý danh mục đầu tư cần được thanh toán. Và nhà đầu tư cũng không phải chịu các chi phí giao dịch, thuế và các chi phí khác để thực hiện chiến lược hiệu quả hơn.
Theo dõi tổng quan biến động của thị trường
Ngoài việc đầu tư trực tiếp vào các chỉ số chứng khoán, các nhà đầu tư còn theo dõi chỉ số chứng khoán để thấy được thấy tình hình tài chính của một ngành mà một nhà đầu tư đã đầu tư vào.
Các chỉ số cung cấp một cách nhanh chóng để so sánh hiệu suất của một danh mục đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư hoặc các quỹ tương hỗ với phần còn lại của thị trường.
Ví dụ: Nếu chỉ số Dow tăng 10% trong một năm và danh mục đầu tư của bạn cho thấy mức tăng tích lũy là 12%, thì bạn biết rằng bạn đang đầu tư đúng hướng.
Tuy nhiên, có một vấn đề với các chỉ số là chúng có thể gây hiểu lầm nếu bạn đưa chúng quá đúng theo nghĩa đen như một thước đo chính xác về mức độ thành công của thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, chỉ số Dow đã thay các công ty nhiều lần kể từ năm 1896. Hoặc nhiều công ty ban đầu hoạt động trong DJIA năm 1896 đã không còn hoạt động, hoặc các công ty thành công khác các nhà đầu tư đã mua chúng nhưng không xuất hiện trong danh mục chỉ số.
Các nhà đầu tư cần nhớ rằng toàn bộ thế giới là một thị trường rộng lớn tương tác và tạo ra ảnh hưởng đối với các nền kinh tế, thị trường hay các quốc gia riêng lẻ. Cho dù bạn có một cổ phiếu hay một quỹ tương hỗ, bạn cũng có thể cảm nhận thị trường thế giới nói chung có ảnh hưởng nhất định đến danh mục đầu tư của bạn. Tất nhiên, cách tốt nhất để có được cái nhìn tổng quan về thị trường quốc tế là theo dõi các chỉ số. Có thể trước đây bạn sẽ tự hỏi phải làm gì với tất cả các chỉ số trên thị trường và chỉ số nào là cần thiết với bạn. Với bài học trên đây hi vọng sẽ giúp bạn có hiểu biết rõ ràng hơn về chỉ số cũng như áp dụng chúng vào việc đầu tư của mình.
Investing.edu.vn