Tính đến 9h sáng nay (6/2), tỷ giá trung tâm tăng 10 đồng so với phiên trước. Trong khi đó, giá mua – bán đồng bạc xanh tại nhiều ngân hàng được điều chỉnh tăng – giảm nhẹ với biên độ phổ biến từ 5-10 đồng so với cuối phiên trước.
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.964 đồng, tăng 10 đồng so với phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá bán USD ở mức 25.101 VND/USD, trong khi giá mua được giữ nguyên ở mức 23.400 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua – bán đồng bạc xanh tại nhiều ngân hàng được điều chỉnh tăng – giảm nhẹ với biên độ phổ biến từ 5-10 đồng so với cuối phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.135 VND/USD (thấp hơn 28 đồng so với sáng hôm qua), giá mua cao nhất đang ở mức 24.220 VND/USD (thấp hơn 40 đồng so với sáng hôm qua). Ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 24.530 VND/USD (thấp hơn 20 đồng so với sáng hôm qua), giá bán cao nhất đang ở mức 24.640 VND/USD (thấp hơn 10 đồng so với sáng hôm qua).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 104,39 điểm, giảm nhẹ 0,06 điểm so với thời điểm mở cửa.
Bạc xanh giảm nhẹ sau khi chạm gần mức cao nhất trong 3 tháng, được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao, do kỳ vọng ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó có thể cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trong năm nay.
Tính từ đầu năm, chỉ số bạc xanh đã tăng khoảng 3% sau khi giảm 2% vào năm 2023.
Dữ liệu vừa được công bố cho thấy tăng trưởng ngành dịch vụ của Mỹ đã phục hồi trong tháng Một do số lượng đơn đặt hàng mới tăng và việc làm phục hồi, cho thấy nền kinh tế Mỹ khởi đầu năm mới mạnh mẽ, theo sau báo cáo việc làm tích cực vào tuần trước.
Chuỗi dữ liệu kinh tế khởi sắc của Mỹ đã dập tắt mọi hy vọng còn sót lại về việc Fed cắt giảm lãi suất sớm, trong khi Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác cũng phản đối quan điểm này.
Công cụ FedWatch của CME cho thấy, các nhà đầu tư đã giảm bớt kỳ vọng vào việc Fed cắt giảm lãi suất so với hồi đầu năm và hiện chỉ còn 15% khả năng sẽ xảy ra vào tháng Ba, giảm so với 69% hồi đầu năm.
Đồng thời, họ cũng đang dự đoán mức cắt giảm là 115 điểm cơ bản trong năm nay, giảm so với mức khoảng 150 điểm cơ bản được dự đoán vào đầu tháng Một.
“Có thể vẫn còn một chút dư địa để Fed cắt giảm lãi suất, nhưng khả năng này có thể bị mất đi do xu hướng giảm lạm phát ở Mỹ ngày càng trở nên khó khăn hơn và sự thắt chặt của thị trường lao động đang dần giảm bớt”, chiến lược gia tiền tệ tại OCBC Singapore, Christopher Wong nói.
Sự chú ý của các nhà đầu tư ở châu Á sẽ tập trung vào quyết định chính sách của Ngân hàng trung ương Úc (RBA) vào cuối ngày hôm nay. RBA được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất và các bình luận từ Thống đốc Michele Bullock trở thành tâm điểm chú ý.
Các nhà đầu tư đã chuyển sang đặt cược vào đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của RBA vào tháng Tám, thay vì tháng Sáu, trong khi các chuyên gia kinh tế được Reuters thăm dò cũng kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ giữ lãi suất ổn định trong nửa cuối năm nay.
Sáng nay, đô la Úc tăng 0,17% lên 0,6494 USD, nhưng vẫn gần mức thấp nhất kể từ ngày 17/11/2023. Đô la New Zealand tăng 0,21% lên 0,6066 USD.
Trong khi đó, euro tăng 0,02% lên 1,0745 USD; bảng Anh tăng 0,08% lên 1,2546 USD nhưng vẫn gần với mức thấp nhất trong 7 tuần của hôm thứ Hai.
Bảng Anh đã giảm đã vào thứ Hai, bất chấp một số dữ liệu kinh tế lạc quan. Số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm ngoái có thể thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đây, điều này cũng có thể thúc đẩy Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cắt giảm lãi suất.
“Thị trường lao động ở Anh thắt chặt hơn dự kiến ủng hộ quan điểm của chúng tôi rằng việc cắt giảm lãi suất vẫn còn lâu mới xảy ra”, chiến lược gia ngoại hối, chuyên gia kinh tế tại Commonwealth Bank of Australia Kristina Clifton nói và thêm rằng: “Chúng tôi kỳ vọng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của BoE là vào tháng Tám, khác so với dự đoán của thị trường là vào tháng Sáu”.
Ở nơi khác, yên Nhật sáng nay tăng 0,11% lên 148,51 JPY/USD, và hiện vẫn dao động quanh mức thấp nhất trong hai tháng chạm vào ngày thứ Hai.
Tiền lương thực tế ở Nhật Bản giảm tháng thứ 21 liên tiếp mặc dù với tốc độ chậm hơn, trong khi chi tiêu hộ gia đình giảm tháng thứ 10 liên tiếp, cho thấy lạm phát vượt xa mức phục hồi của tiền lương và tiếp tục đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng.